Sau khi thống nhất mông cổ ,thành cát tư hãn nhà chính trị tài ba đã bắt đầu những cuộc viễn chinh sang tận Châu Âu,xây dưng nên một đội quân hùng mạnh thế giới.
Năm 1209, Thành các tư Hãn bắt đầu xuất quân. Những cuộc
hành quân của ông có thể được chia làm ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất (1209-1215)
đánh Đông-Bắc-Á, giai đoạn thứ 2 (1218-1225) đánh Trung-Á, Tây-Nam-Á và
Đông-Âu, giai đoạn thứ ba (1226-1227) đánh tiếp Đông-Bắc-Á.
![]() |
Những cuộc viễn chinh |
Năm 1209, Thành cát tư Hãn xuất quân, đánh nước Đại Hạ. Muốn
đánh nước này thì quân Mông Cổ phải đi băng qua sa mạc Qua Bích. Việc này không
khó đối với kỵ binh Mông Cổ. Nhưng muốn vào nước này thì phải vượt qua một cái
đèo có quân Đại Hạ đóng ở đó. Thành cát tư Hãn không vượt qua nổi, bèn lập mưu
giả vờ rút lui. Quân Đại Hạ đuổi theo. Quân Mông Cổ quay lại phản công, bắt được
tướng địch. Vua Đại Hạ phải điều đình, dâng gái đẹp và châu báu, và hẹn hàng
năm triều cống. Quân Mông Cổ rút lui.
Năm 1211, Thành cát tư Hãn dẫn 70 ngàn kỵ binh, vượt Vạn Lý
Trường Thành sang đánh nước Kim. Lúc đó Trường Thành không kiên cố như sau này
khi nhà Minh tu bổ lại nên vượt qua cũng không khó khăn lắm. Quân Mông Cổ đến
chân thành Khai Phong nhưng không đánh thành mà lại đi ngược lên đánh kinh đô
nước Kim là thành Trung Đô (Bắc Kinh bây giờ). Trung Đô kiên cố, cao tới 12
mét, đánh không nổi, quân Mông Cổ bèn cướp phá vùng phụ cận cho thoả thích. Năm
1214, Thành cát tư Hãn trở lại, lần này có mang theo cần ném đá có khả năng ném
những tảng đá nặng 50 kí-lô để phá tường thành. Nhưng dụng cụ “tối tân” này
không cần dùng tới vì nội bộ Kim lủng củng. Vua Kim xin điều đình, dâng công
chúa và châu báu. Quân Mông Cổ rút lui. Triều đình Kim dời đô về Khai Phong.
Năm 1215, quân Mông Cổ lại vây Trung Đô; dân trong thành đói
ăn, mở cửa thành xin hàng. Quân Mông Cổ vào thành, đốt phá, cướp bóc, giết người,
hãm hiếp tàn bạo. Nước Cao Câu Ly (một quốc gia ở bắc bộ bán đảo Triều Tiên và
một phần xứ Mãn Châu bây giờ) khiếp sợ, phái người sang xin triều cống, được
ưng thuận.
Thành cát tư Hãn khinh người Tàu, khinh nông nghiệp, coi là
hèn nhược, muốn giết hết nông dân, đổi ruộng thành đồng cỏ để có chỗ nuôi gia
súc. Rất may lúc đó vua Mông Cổ có một người cận thần Mãn Châu tên là Gia-luật
Sở-tài ngỏ lời hơn thiệt khuyên bảo. Thành cát tư Hãn nghe ra tai, ngưng việc
chém giết. Người cố vấn này được tin dùng cho đến khi chết vào năm 1244.
Năm 1218, một đại tướng Mông Cổ tên là Jebe được lệnh của
Thành cát tư Hãn mang 20 ngàn kỵ binh đi về hướng tây đánh nước Tây Liêu (nay
là miền Tannou Touva trong Liên Bang Nga?). Nguyên lúc trước, vua nước này tên
là Kuchlug đã có lần xâm phạm đất Mông Cổ, bị Thành cát tư Hãn đánh bại; nay củng
cố binh lực, liên kết với các nước khác để phục thù. Dân Tây Liêu theo đạo Hồi
mà Kuchlug lại cấm đạo này, giết một thầy giảng đạo (Iman). Khi nghe tin quân
Mông Cổ sắp tới thì dân chúng vui mừng. Quân Mông Cổ thắng ngay, chặt đầu
Kuchlug.
Quá về phía tây có nước Khwarzim (nay là nước Ouzbékistan),
kinh đô là Samarkand, rất giàu. Thành-cát-tư Hãn muốn kết thân và giao dịch
thương mại, sai một phái đoàn nhiều người gồm sứ thần và 450 nhà buôn mang nhiều
đồ quý giá đến biếu vua nước ấy là Shah Muhammed. Đi đến biên giới, phái đoàn bị
viên quan cai trị tên là Inalchug nghi ngờ là gián điệp, bắt giam rồi giết. Ông
phái sứ thần đến đòi trừng phạt viên quan nọ. Muhammed đã không trừng phạt thuộc
hạ, lại còn giết sứ thần, chém đầu mang trả Thành cát tư Hãn. Năm 1219, quân
Mông Cổ kéo sang. Muhammed có 400 ngàn quân nhưng không trung thành lắm và dân
trong nước cũng không ưa vì sưu cao thuế nặng. Mặc dầu quân ít, Thành-cát-tư
Hãn vẫn chia quân làm hai đạo: một đạo đi Samarkand rồi đi Bukhara, một đạo vây
thành Utrar mà tướng giữ thành lại chính là Inalchug. Quân Mông Cổ dùng cần ném
đá ném vào thành đạn lửa làm bằng diêm sinh, dầu hoả và tiêu thạch (salpêtre).
Inalchug giữ thành được hơn một tháng rồi tử trận. Thành bị san thành bình địa,
các thợ khéo bị đưa về Mông Cổ. Samarkand và Bukhara, đều nằm trên Con Đường Tơ
Lụa, mở cổng thành đón quân Mông Cổ. Thành cát tư Hãn vào thành ngồi uống rượu
và nghe nhạc, rồi cho phép lính được tự do cướp bóc, đốt phá, hãm hiếp.
Năm 1220, đạo quân ở Utrar lại đi về hướng tây, tới thị trấn
Urgenc nằm trên Con Đường Tơ Lụa, vẫn trong nước Ouzbékistan, trên bờ sông
Amou-Daria, phía nam biển Aral. Ở đấy diễn ra một trận đánh rất hung bạo, người
ta nói rằng có tới 100 ngàn người giữ thành bị giết. Quân Mông Cổ đào kênh, phá
đê dẫn nước vào tràn ngập đống gạch vụn.
Rồi quân Mông Cổ đi về hướng nam, đánh phá thành Merv thuộc
nước nay gọi là Turkménistan. Tục truyền rằng trong đống gạch vụn, một nhà tu
hành đạo Hồi đếm xác chết trong 13 ngày chưa hết, ước lượng rằng có đến
1.300.000 cái thây. Thành Balk trong nước nay gọi là Afghanistan cũng chung số
phận: già trẻ lớn bé đều bị bắt xếp hàng 10, hàng 100 như quân đội, rồi lính
Mông Cổ cầm dao, cầm giáo giết từng loạt rất có qui củ (!). Có một chuyện ngoại
lệ xảy ra ở thành Herat cũng thuộc nước nay là Afghanistan. Năm 1221, quân Mông
Cổ hạ thành này, tha mạng cho nhiều người (?). Lúc đạo quân bỏ đi, chỉ để lại một
ít quân giữ thành, dân địa phương đã nổi dậy giết đám quân giữ thành. Khi quân
Mông Cổ trở lại, chuyện gì xảy ra, tất nhiên ai cũng biết.
Năm 1221, Thành-cát-tư Hãn sai hai đại tướng Jebe và Sudebei
dẫn 20 ngàn quân tới biển Lý Hải (mer Caspienne), đi vòng sang bờ phía tây. Có
hai đạo quân xứ Géorgie ra nghênh chiến, bị thua cả hai. Mùa đông năm ấy, quân
Mông Cổ vượt rặng Cao Gia Sách (Caucase) lọt vào địa bàn của giống người Slaves,
gặp quân Thổ Nhĩ Kỳ (thuộc giống Đột Quyết, tây tiến từ thế kỷ thứ XI). Quân Thổ
thua mau, và quân Mông Cổ vào các làng cướp phá, hãm hiếp như thường lệ.
Thời ấy, người Slaves chưa thành lập được những quốc gia lớn
mạnh. Họ chỉ có những lãnh địa lớn nhỏ cai quản bởi những lãnh chúa, như:
Rostov, Moscou, Novgorod (nay thuộc Nga), Kiev (nay thuộc Ukraine), Chernigov,
Galicie (nay thuộc Ba Lan)… Năm 1223, các ông chúa Slaves họp nhau thành lập một
đoàn quân gồm 80 ngàn người. Các ông chúa là tướng mặc giáp lưới sắt nặng nề,
theo sau là những toán bộ binh, ra gặp quân Mông Cổ ở bờ sông Kalka. Kỵ binh
tiên phong Mông Cổ cầm cung bắn vãi tên lên đầy trời. Một số tướng Slaves dẫn
quân tiến lên đánh. Quân Mông Cổ bỏ chạy rồi biến mất trong màn khói mù mịt mà quân
Mông Cổ đốt phân ngựa trộn dầu hoả tạo nên. Sau đó, quân Slaves thấy sau màn
khói không phải là toán kỵ binh cầm cung tên mà là toán kỵ binh cầm giáo, cầm
kích đánh giết dữ dội. Quân Slaves hoảng loạn, mạnh ai nấy chạy, đại bại. Hai
viên tướng Mông Cổ Jebe và Sudebei ngồi ăn uống trên một cái hòm gỗ trong đó có
nhốt ba ông chúa Slaves bị bắt. Ba ông này bị ngạt thở chết.
Sau trận này, Jebe và Sudebei dẫn quân quay về hướng đông,
đi về mạn sông Volga, thắng thêm hai trận nữa, rồi năm 1224 vượt núi Oural, hội
quân với Thành-cát-tư Hãn, đi xuyên qua nước nay là Kazakhstan. Dọc đường, quân
Mông Cổ cướp lương thực, của cải và ngựa của dân bản xứ, đánh tan bất cứ đội
quân nào kháng cự lại.
Năm 1225, Thành-cát-tư Hãn lên đường về Mông Cổ. Nhưng ông
không về thẳng quê mà lại tạt qua thành Hạ Châu, kinh đô của nước Đại Hạ năm
1226 để hỏi tội vua nước này. Nguyên năm 1218, trước khi đi đánh nước Khwarzim
(nay là nước Ouzbékistan), ông ngỏ lời mượn quân của Đại Hạ. Vua nước này đã
không cho mượn lại còn nói ngược ngạo sao đó mà ông để bụng thù. Khi ở phương
tây về quê, ông quyết tiêu diệt nước này. Trong khi vây thành Hạ Châu, ông bị bệnh,
qua đời năm 1227, thọ khoảng 60 tuổi. Dù vậy, nước Đại Hạ cũng bị diệt, quân Đại
Hạ tan rã, bỏ trốn về Tây Tạng. Quân Mông Cổ bắt mang về nước 30 ngàn thợ khéo,
định xây một kinh đô bền vững tại đất khởi nguyên.
http://worldman360.blogspot.com/2016/04/thanh-cat-tu-han-thoi-ky-gay-dung-luc.html
http://worldman360.blogspot.com/2016/04/thanh-cat-tu-han-thoi-ky-gay-dung-luc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét