Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Trương Anh Tuấn, người đi lên từ nghèo khó

Sinh năm 1975 trong một gia đình nghèo tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), mồ côi cha nên Trương Anh Tuấn đã trải qua tuổi thơ rất vất vả. Kế sinh nhai của cả nhà lúc ấy là cửa tiệm nhỏ chuyên lắp ráp và sửa xe đạp. Hoàn cảnh khó khăn nên người chị của Tuấn sớm phải nghỉ học để đi làm, còn cậu bé sau giờ học cũng phải ra tiệm phụ việc và mày mò học cách lắp ráp và sửa xe đạp. “Tôi thành thợ sửa xe từ lúc nào không hay” - anh kể.

Cực khổ nhưng rất ham học, năm 1994, Tuấn thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa TPHCM với số điểm cao.Không muốn trở thành gánh nặng cho mẹ nên ngay từ đầu, chàng sinh viên năm nhất đã đi làm thêm tại Trung tâm Tin học Đại học Quốc gia TPHCM và các phòng máy tư nhân để kiếm tiền.
“Tôi học công nghệ thông tin nhưng đến lúc vào đại học mới được nhìn thấy chiếc máy tính.Vì không có máy nên tôi phải tận dụng học mọi lúc ở phòng máy của trường. Việc đi dạy thêm về tin học không chỉ giúp tôi trang trải học phí mà còn là cơ hội để tôi tiếp cận với máy tính” - anh chia sẻ.

Không dừng lại với bằng kỹ sư sau khi tốt nghiệp đại học, Trương Anh Tuấn tiếp tục học lên cao học bằng cách săn học bổng. Năm 2000, sau khi vượt qua vòng thi tuyển gắt gao, Tuấn nhận được học bổng toàn phần của chính phủ Pháp.


Ba năm sau, Trương Anh Tuấn bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ tại Viện Tin học Cộng đồng Pháp ngữ.Con đường học lên tiến sĩ mở ra trước mắt nhưng cuối cùng anh quyết định về nước và “phát triển bản thân” với những kiến thức đã tích lũy được.

Thành công từ thất bại

Con đường dẫn đến thành công của Trương Anh Tuấn không hề bằng phẳng. Tốt nghiệp đại học, anh gia nhập vào một nhóm kỹ sư của Công ty Dolsoft với mong muốn phát triển phần mềm GIS (hệ thống quản lý thông tin địa lý).

Dồn hết tâm huyết vào đó nhưng khi sản phẩm đến giai đoạn cần mạnh tay đầu tư thì đối tác lại cắt giảm chi phí bởi họ không còn tin vào khả năng thành công của nhóm. Sau đó, anh lại vấp phải sai lầm tương tự khi công sức bỏ ra nghiên cứu và phát triển phần mềm kỹ thuật cao trong lĩnh vực truyền thông cho một công ty Hàn Quốc cũng không có kết quả.

Không chịu thua, năm 2005, Trương Anh Tuấn vào Công ty LogiGear và đứng đầu nhóm phát triển phần mềm TestArchitect (phần mềm tự động phát hiện lỗi của các phần mềm khác). “Từ ý tưởng ban đầu của LogiGear, tôi và nhóm kỹ sư đã lao vào nghiên cứu ngày đêm, để có kinh phí đầu tư cho sản phẩm chính, chúng tôi nhận gia công phần mềm cho khách hàng nước ngoài.

Việc nghiên cứu kéo dài khiến nhiều lúc tôi thấy nản nhưng cứ nghĩ tới 2 lần thất bại trước, tôi lại tiếp tục” - anh nhớ lại. Cuối cùng, nỗ lực của cả nhóm đã được bù đắp khi năm 2008, phần mềm TestArchitect được hoàn thiện và thành công ngoài mong đợi khi nó trở thành một trong những sản phẩm hiếm hoi được nghiên cứu và phát triển bởi người Việt Nam và chinh phục được các tập đoàn lớn như McAfee, Lockheed Martin, Cisco…

Tầm vóc quốc tế

Một bất ngờ lớn là cuối năm 2011, Tập đoàn Microsoft đã chủ động mời Công ty LogiGear hợp tác để hoàn thiện Visual Studio - chương trình hỗ trợ lập trình, sửa lỗi và phát triển phần mềm.
Visual Studio rất mạnh nhưng có một khiếm khuyết là khả năng kiểm thử tự động hàng loạt yếu và đó là thế mạnh của TestArchitect.“Đây là một cơ hội nhưng cũng là một thách thức lớn khi trong thời gian 9 tháng, LogiGear phải hoàn chỉnh việc tích hợp 2 chương trình” - anh cho biết.

Trước sức ép về mặt thời gian, Trương Anh Tuấn và nhóm lập trình viên trong dự án đã phải tăng cường độ làm việc gấp đôi, vừa phát triển vừa tìm hiểu sâu về Visual Studio để tìm cách tích hợp. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng từ phía Microsoft, cuối cùng, các kỹ sư của LogiGear đã hoàn thành sản phẩm vừa kịp lúc.

Tháng 9-2012, phiên bản phần mềm kiểm thử tự động TestArchitect for Visual Studio đã được hoàn thành. Anh Tuấn cho biết: “Dù so với thế giới, chúng ta vẫn còn cả một quãng đường dài để phấn đấu nhưng với kết quả đạt được, tôi hy vọng nó sẽ mở ra con đường cho phần mềm Việt vươn xa hơn”.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét