Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Sơ lược về Napoléon Bonaparte.(Phần 4)

Các mối đồng minh Trung Đông
Ngay cả sau chiến dịch ở Ai Cập, Napoléon vẫn tiếp tục ấp ủ một kế hoạch lớn lao là thành lập một sự hiện diện của Pháp ở Trung Đông. Một mối đồng minh với các cường quốc Trung Đông sẽ là lợi thế chiến lược gây sức ép cho Nga ở biên giới phía Nam của nước này. Từ 1803, Napoléon tiến những bước đáng kể trong cố gắng thuyết phục Đế quốc Ottoman chiến đấu chống lại Nga ở bán đảo Balkan và gia nhập liên minh chống Nga của ông.

Napoléon gửi tướng Horace Sebastiani sang làm đặc sứ, hứa hẹn sẽ giúp đỡ Đế quốc Ottoman khôi phục những lãnh thổ đã mất. Tháng Hai năm 1806, sau chiến thắng của Napoléon ở Austerlitz và sự chia cắt sau đó của Đế quốc Habsburg, Hoàng đế Ottoman Selim III cuối cùng thừa nhận ngôi Hoàng đế của Napoléon, chính thức chọn liên minh với Pháp như "người đồng minh thân thiết và tự nhiên của chúng ta", đồng thời tuyên chiến với Nga và Anh.

Một liên minh Pháp-Ba Tư cũng được hình thành, trong thời gian từ 1807 tới 1809, giữa Đế quốc Ba Tư của Fat′h-Ali Shah Qajar chống Nga và Anh. Liên minh này chấm dứt khi Pháp bắt tay với Nga và chuyển trọng tâm sang các chiến dịch châu Âu.
Chiến tranh với Liên minh thứ tư
Liên minh thứ tư được thành lập năm 1806, và Napoléon đánh bại quân Phổ trong trận Jena-Auerstedt vào tháng Mười. Ông hành quân vượt Ba Lan để đương đầu với quân Nga đang tiến sang và hai bên có đụng độ đẫm máu tại trận Eylau ngày 6 tháng hai năm 1807 nhưng bất phân thắng bại.

Sau một thắng lại quyết định tại trận Friedland, ông kí các Hiệp ước Tilsit bao gồm một văn bản với Nga hoàng Aleksandr I phân chia lục địa giữa hai cường quốc này; một văn bản khác với Phổ tước một nửa lãnh thổ nước này. Napoléon đặt các nhà cai trị lên ngai vàng các bang nước Đức, bao gồm người em Jérôme làm vua của Vương quốc Westfalen mới lập. Trong vùng Ba Lan mà Pháp kiểm soát, ông lập nên Công quốc Warszawa dưới quyền Vua Friedrich August I của Sachsen.

Với các chiếu chỉ Milano và chiếu chỉ Berlin, Napoléon nỗ lực tăng cường một sự tẩy chay thương mại khắp châu Âu đối với Anh mang tên Hệ thống Lục địa. Đạo luật chiến tranh kinh tế này không thành công, bởi nó khuyến khích các thương gia Anh buôn lậu vào châu Âu lục địa, và nhân viên cưỡng bách thuế quan độc quyền của Napoléon không thể ngăn họ lại
Chiến tranh Bán đảo.
Vì Bồ Đào Nha không tuân theo lệnh phong tỏa lục địa nên Napoléon phải cất quân chinh phạt vào năm 1807 với sự hỗ trợ của Tây Ban Nha. Dưới chiêu bài tăng cường cho quân đội Pháp - Tây Ban Nha chiếm đóng Bồ Đào Nha, Napoléon xâm lược luôn cả Tây Ban Nha, phế Carlos IV rồi đưa anh trai của mình là Joseph Bonaparte lên ngôi, đồng thời đặt em vợ là Joachim Murat lên cầm quyền thay Joseph ở Napoli. Điều này đã dẫn đến sự kháng cự mạnh mẽ của quân đội và thường dân Tây Ban Nha gây nên cuộc khởi nghĩa Dos de Mayo.


Ngày thứ 2 tháng 5 năm 1808, quân Mamluk xung kích, một bức họa của Francisco Goya
Ở Tây Ban Nha, Napoléon còn phải đối mặt với một loại hình chiến tranh mới, chiến tranh du kích , trong đó cư dân địa phương, hưởng ứng chủ nghĩa ái quốc và tinh thần tôn giáo, tham gia vào cuộc chiến. Loại hình bước đầu của chiến tranh nhân dân này bao gồm nhiều hình thức chiến đấu cường độ thấp (quấy rối, phá hoại, nổi dậy vũ trang...) và trợ giúp cho quân đội chính quy những nước đồng minh với Tây Ban Nha. Sau khi quân Pháp đồn trú buộc phải rút khỏi nhiều phần đất nước này, Napoléon nắm quyền chỉ huy trực tiếp, đánh bại quân Tây Ban Nha. Ông chiếm lại Madrid, đánh bật một đội quân Anh tới cứu viện và đẩy lui họ khỏi bờ biển . Tuy vậy, trước khi người dân Tây Ban Nha chịu khuất phục hoàn toàn, nước Áo lại đe dọa chiến tranh, buộc Napoléon phải quay về Pháp.

Cuộc chiến tranh trên bán đảo Iberia tốn kém và thường đẫm máu vẫn tiếp tục khi Napoléon vắng mặt. Trong cuộc vây hãm Zaragoza lần thứ hai, gần như toàn bộ thành phố bị phá hủy và hơn 5 vạn người bỏ mạng. Mặc dù Napoléon để 30 vạn quân tinh nhuệ ở lại Tây Ban Nha để chống lại quân du kích cũng như liên quân Anh-Bồ Đao Nha dưới sự chỉ huy của Công tước Wellington, nhưng sự kiểm soát của Pháp ngày một suy yếu.

Sau khi phía đồng minh giành thắng lợi, cuộc chiến kết thúc sau khi Napoléon thoái vị vào năm 1814. Napoléon mô tả cuộc chiến tranh Bán đảo là trung tâm của sự thất bại chung cuộc của mình. Ông đã viết trong hồi ký: "Cuộc chiến tranh bất hạnh đó đã hủy diệt tôi...Tất cả...những tai họa của tôi bị buộc chặt với nút thắt định mệnh đó".
Chiến tranh Liên minh thứ năm và tái hôn
Tháng Tư 1809, Áo bất ngờ phá vỡ liên minh với Pháp, tham gia vào Liên minh thứ năm chống Pháp. Napoléon buộc phải nắm quyền chỉ huy các lực lượng ở mặt trận Danube và Đức. Sau những thắng lợi ban đầu, quân Pháp vấp phải khó khăn trong việc vượt qua sông Donau và thất bại vào tháng Năm trong trận Aspern-Essling gần Viên. Người Áo đã bỏ lỡ lợi dụng tình thế, để cho Napoléon có thể tập hợp lại lực lượng. Ông đánh bại quân Áo trong trận Wagram, và Hiệp ước Schönbrunn được kí giữa Pháp và Áo. Tuy thắng lợi nhưng thiệt hại nặng nề trong trận Wagram đã chứng tỏ những suy sút của quân đội Pháp.

Vương quốc Anh vẫn chống Pháp và có vài trận thắng trên biển. Trên lục địa châu Âu, Anh chỉ hỗ trợ cuộc chiến trên bán đảo Iberia và gửi một đoàn quân viễn chinh gồm 40.000 người tới Walcheren (vùng Zeeland, Hà Lan) từ 30 tháng 7 tới 10 tháng 12 năm 1809 để tấn công căn cứ hải quân Antwerpen của Pháp và để chia cắt lực lượng Pháp nhằm giúp Áo nhưng cuối cùng phải rút lui khi Napoléon đem quân tăng viện.

Ông đồng thời sáp nhập lãnh thổ của Giáo hoàng bởi Giáo hội từ chối ủng hộ Hệ thống Lục địa; Giáo hoàng Piô VII đáp trả bằng cách rút phép thông công vị hoàng đế Pháp. Sau đó một số sĩ quan của Napoléon bắt cóc Giáo hoàng, Napoléon tuy không ra lệnh trên nhưng khi biết sự việc cũng không cho thả Piô. Giáo hoàng bị chuyển đi khắp các lãnh thổ của Napoléon và Napoléon đã gửi các phái đoàn tới gây áp lực buộc ông trên các vấn đề bao gồm thỏa thuận về một giáo ước mới với nước Pháp, điều Piô từ chối. Năm 1810 Napoléon kết hôn với nữ Đại công tước Marie Louise của Áo, sau khi ông ly dị với Joséphine; điều này gây thêm căng thẳng với Giáo hội, và mười ba Hồng y đã bị tống giam do vắng mặt tại lễ cưới. Giáo hoàng tiếp tục bị giam cầm trong 5 năm và không trở về Roma cho đến tháng Năm 1814.


Napoléon chấp nhận việc Bernadotte, một trong các thống chế của ông được bầu làm người thừa kế ngai vàng Thụy Điển vào tháng Mười một 1810. Ông thường chiều Bernadotte bất chấp những sơ suất của viên tướng này vì Bernadotte cưới hôn thê cũ của ông là Désirée Clary nhưng về sau hối hận cả đời khi Bernadotte đem Thụy Điển liên minh với các kẻ thù của Pháp trong Liên minh thứ sáu và trở thành một trong những đối thủ đáng ngại nhất của ông.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét